Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4/2023, bà Cao Thị Kim Lan, Ủy viên BCH Hiệp hội VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định đã có bài phát biểu về thực trạng cơ sở hạ tầng nghề cá và kiến nghị một số giải pháp về cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu khai thác và số hóa quy trình xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác.
Qua câu chuyện thẻ vàng IUU mà EU cảnh báo và giám sát ngành khai thác hải sản của Việt Nam từ năm 2017 đến nay, đã cho thấy một thực trạng đang làm góp phần làm giảm tiến độ đáp ứng các quy định tháo gỡ thẻ vàng IUU và cả mục tiêu phát triển bền vững nghề cá Việt Nam.
Đó là thực trạng các cơ sở hạ tầng nghề cá ở các tỉnh ven biển hiện nay xuống cấp. Nhiều cảng cá có công suất thấp, thậm chí thiếu an toàn; trong khi số lượng tàu thuyền lớn, không đủ nơi neo đậu. Phần lớn các cảng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải…
Cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ðây cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 gặp nhiều khó khăn.
Nếu cơ sở hạ tầng nghề cá không được đầu tư nâng cấp và cải thiện quy trình sẽ khó gỡ “thẻ vàng” của EU và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được.
Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định số 1077 ngày 14/9/2022 cũng đã nêu nhiệm vụ số 2 là “Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU”.
Do vậy, xin kiến nghị với Thủ tướng và Bộ NN và PTNT quan tâm và có chỉ đạo triển khai kế hoạch Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá vì cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác (Mỹ, Nhật Bản,…). Nếu Việt Nam bị cảnh báo thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị XK hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác.
Thực tế, tại các địa phương ven biển, kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, các thủ tục xác nhận-chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế, và bất cập. Do đó, các DN gặp khó khăn, ách tắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác phải có xác nhận, chứng nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác.
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho DN chế biến hải sản xin kiến nghị việc thứ hai là: cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền-khai thác làm sao để hệ thống CSDL của 28 tỉnh thành ven biển phải liên thông nhau, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn.
Thứ ba là, qui trình xác nhận- chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.
Ngoài ra, cũng xin kiến nghị Chính phủ và các địa phương khuyến khích các DN tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, dịch vụ hậu cần không chỉ cho ngành khai thác mà kể cả lĩnh vực nuôi trồng và hậu cần để có góp phần phát triển chuỗi cung ứng thủy sản bền vững và hiệu quả.